Triều Tiên vương Thế tử Triều_Tiên_Cảnh_Tông

Năm 1694, phái Nam Nhân bành chướng bức ép Túc Tông loại bỏ hết các đại thần phái Tây nhân để chiếm quyền chính sự, lạm dụng quyền hành, tham ô, nhận hối lộ, vơ vét công quỹ khiến đời sống xã hội Triều Tiên khi đó đi xuống trầm trọng. Lo sợ sự mất cân bằng trên chính trường làm suy giảm Vương quyền, Túc Tông quay sang trợ giúp phái Tây Nhân. Từ khi lên ngôi Vương phi, Trương thị tỏ ra ngỗ ngược, độc đoán, lạm quyền và tìm cách mưu hại các cung tần trong hậu cung khiến nhà vua dần xa lánh, chán ghét. Sự tác động từ Thục tần họ Thôi và phái Tây nhân giúp nhà vua ra quyết định phục vị cho Nhân Hiển vương hậu, đồng thời giáng Trương Vương phi trở về tước vị Hy Tần. Triều đình khi đó diễn ra một cuộc tranh luận lớn khi phái Tây Nhân muốn phế Thế tử, phái Nam Nhân ủng hộ Thế tử.

Năm 1698, Vương thế tử Lý Quân bị mắc bệnh quai bị, do không kiêng kỵ đúng nên dẫn tới biến chứng viêm và teo tinh hoàn (bị vô sinh).

Năm 1701, Nhân Hiển vương hậu đột ngột qua đời. Phái Tây Nhân tìm ra bằng chứng Trương Hy tần dùng bùa phép ám hại Vương hậu và câu kết với nhà Thanh khi tiết lộ nhiều tài liệu quân sự cơ mật nhằm nhận được sự đồng thuận cho việc sắc phong Thế tử. Các nho sinh, sĩ phu trên toàn Triều Tiên đồng loạt dâng tấu yêu cầu vua giết Trương Hy tần, phế Thế tử. Trước tình hình chính trị bất ổn, Túc Tông quyết định ban chết cho Hy tần để an ủi vong linh và trả lại sự công bằng cho cái chết của Nhân Hiển vương hậu, trấn an các nho sinh, sĩ phu trong cả nước. Cái chết của mẹ khiến Thế tử Lý Quân căm hận phái Tây Nhân và Phụ vương.

Năm 1702, Túc Tông lập Khánh Châu Kim thị làm Kế phi, tức Nhân Nguyên Vương hậu, Thế tử Lý Quân nhận bà làm dưỡng mẫu. Năm 1705, Thế tử Lý Quân khi đó 15 tuổi, được ban hôn với Thẩm thị là con gái của đại thần Thẩm Hạo (沈浩), sắc phong Vương Thế tử tần (王世子嬪).

Năm 1717, Túc Tông lâm bệnh, ông cho phép Thế tử Lý Quân thay ông phê tấu chương và ngồi cạnh thượng triều. Năm 1718, Thế tử tần Thẩm thị qua đời. Giữa năm đó, Túc Tông bệnh trở nặng không thể thiết triều, ông ban chiếu chỉ cho Thế tử Lý Quân nhiếp chính. Cũng trong năm này, để dọn đường chính sự cho con trai kế vị, Túc Tông tiếp tục ban chiếu chỉ luận tội thêm một số quan chức cao cấp của phái Lão Luận. Tuy nhiên, Túc Tông cũng yêu cầu Cảnh Tông sau khi lên ngôi phải lập con trai của Thục tần Thôi thị là Lý Khâm làm người kế vị tiếp theo, tức Vương trữ (王儲).

Năm 1719, Thế tử Lý Quân lập Ngự thị, con gái của đại thần Ngự Hữu Quân (魚有龜), làm Vương Thế tử Tần kế nhiệm.

Năm 1720, Túc Tông thăng hà, Thế tử Lý Quân chính thức lên ngôi, truy phong cố Thế tử tần Thẩm thị làm Đoan Ý Vương hậu; đồng thời sắc phong Thế tử tần Ngự thị làm Vương phi. Tôn Kế phi Kim thị làm Vương đại phi (王大妃), tức Huệ Thuận đại phi.

Liên quan